Đang truy cập : 17
•Máy chủ tìm kiếm : 8
•Khách viếng thăm : 9
Hôm nay : 1861
Tháng hiện tại : 35633
Tổng lượt truy cập : 12786828
Tháng 8 năm 1965, chúng tôi được tuyển lên học cấp III Nghĩa Đàn, sau kì thi tốt nghiệp cấp II. Thời đó bậc học phổ thông được chia thành 3 cấp: cấp I (nay gọi là Tiểu học) gồm các lớp 1, 2, 3 và 4, cấp II ( nay gọi là THCS) gồm 3 lớp 5, 6 và 7, cấp III (nay gọi là THPT) gồm 3 lớp 8, 9 và 10. Điểm số cũng khác bây giờ, người ta quen gọi là điểm Liên Xô, cho từ điểm 1 đến điểm 5, không có phân số hay số thập phân. Nếu bài kiểm tra kiến thức còn non thì thêm dấu trừ phía sau điểm, nếu kiến thức nhỉnh hơn thì thêm dấu cộng. Tổng kết điểm không chia lấy theo trung bình mà tính điểm tiến bộ và xét thực lực học của học trò, nên trong quá trình kiểm tra có thể hai học trò có các con điểm như nhau nhưng tổng kết có thể khác nhau, thầy giáo có thể ra các câu hỏi phụ để khẳng định lực học của học trò.
Chiến tranh đã buộc chúng tôi phải đội mũ rơm đến lớp, dùng đèn chai để học ban đêm (thật tiếc không còn ai lưu giữ được chiếc mũ rơm hay chiếc đèn chai nào để khoe với thế hệ học trò sau này hay đưa vào phòng truyền thống). Chiến tranh cũng buộc chúng tôi phải tự làm những chiếc lán học trong rừng, xung quanh đắp luỹ cao gần ngang mái, không có vách phên vì đã có luỹ che chắn, phía ngoài luỹ là các giao thông hào dẫn ra những chiếc hầm chữ A. Vùng trường cũ nếu được giữ lại đến hôm nay không khéo Ấp Đon, Bàu Lạng lại trở thành nơi tham quan lí thú, ít nhất cũng cho lứa tuổi học trò. Khi làm lán học chúng tôi đã không quên để lại những dây leo to bằng cổ tay thòng xuống trên các cây đại thụ, để rồi những giờ ra chơi chúng tôi lại được chơi đu kiểu Tác-dăng Người rừng, trò chơi không những chỉ cuốn hút bọn con trai mà con gái cũng thích, có những dây lâu ngày khô mục bị đứt người đu rơi giống quả mít rụng thật hú hồn, nhưng cũng may chơi nhiều, rơi nhiều mà nỏ ai bị chi. Bàn học và bàn giáo viên được đan bằng nứa - hồi ấy nứa Bàu Lạng nhiều lắm, chỉ cần ra phía sau lớp là có thể chặt ngay hàng vác – chúng tôi lấy những cây tròn bằng cổ chân đục làm thành khung rồi bỏ liếp nứa lên là thành bàn, ghế ngồi là những thân gỗ được đẽo bằng một mặt đặt lên hai cây chạng rồi chôn xuống đất. Trong lớp duy nhất chỉ có chiếc bảng là do thợ làm. Mỗi năm học, từ đầu tháng 8, thầy trò đã kéo lên rừng đốn cây, chặt tre nứa, cắt tranh làm mới toàn bộ lán học, bàn ghế, đào hào đắp lũy để chuẩn bị cho năm học mới. Chúng tôi còn làm được cả hội trường chứa được toàn bộ học sinh và giáo viên toàn trường để sinh hoạt. Tôi là người nhỏ nhất lớp, xếp hàng luôn được đứng đầu, ở nhà còn uốn mẹ vậy mà phải lên rừng chặt cây, đốn gỗ như một người đàn ông thực thụ. Nhớ có bữa chặt cây xong nhưng cây không chịu đổ cho vì dây rừng quấn chặt thân cây, mệt và bực tức, tôi không biết làm sao, thôi thì khóc quách cho xong, tiếng khóc có tác dụng liền, các anh lớn tuổi đến như những vị cứu tinh, người leo, người phát một lát là xong, cây đổ, nhìn mọi người giúp mình mà tôi chỉ biết cười trong nước mắt. Khổ nhất là các thầy cô Hà Nội, từ nhỏ họ biết rừng là “chi mô”, nghe nói Vắt mà có lẽ chưa bao giờ thấy Vắt, Bó đuốc, Mòng mòng cũng chỉ là trong tưởng tượng rứa mà ngày ấy họ vẫn phải sống chung với chúng. “Mất dạy” hết chỗ nói là mấy con vắt chúng chui hẳn vào dày, vào quần và trú ngụ hàng buổi ở đó để hút máu no rồi tự rụng ra mà không hay biết. Lại còn nạn "ghẻ" nữa, từ thầy đến trò ai cũng bị ghẻ. Có lẽ dạy, học ở cấp III Nghĩa Đàn hồi đó ai chưa bị ghẻ chưa phải là dân chính thống của trường. Không phải sạch là không bị ghẻ ghé thăm, ghẻ lại thích người sạch thì phải, thấy ai sạch ghẻ thăm trước. Nhưng rồi sáng hôm sau, trong giờ sinh hoạt 15 phút chúng tôi lại được xem vở kịch “ gãi ghẻ” do mấy tay trong đội Văn nghệ lớp biểu diễn còn hay hơn cả thật, lúc này thì được cười hết cỡ không phải giữ nữa. (Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò mà).
Khoá học chúng tôi là khoá học đầu tiên có đủ 3 khối lớp, mỗi khối có 2 lớp, lớp chúng tôi là lớp 8B, sĩ số 49 đến sau đó một số đi bộ đội, một số thuyên chuyển, một số mới đến, lớp 10 sĩ số còn 47 . Đội ngũ Thầy Cô gồm Thầy Hiệu trưởng Hoàng Xuân Đính; Thầy Hiệu phó Nguyễn Đình Tiêu, dạy Văn: Thầy Tý; Thầy Ký, dạy Toán: Thầy Thao;Thầy Trạch, dạy Vật lý: Thầy Cổn; Thầy Vị, dạy Hoá: Thầy Đạo, dạy Sinh: Thầy Niệm, dạy Sử: Thầy Vượng, dạy Địa: Thầy Quang; Thầy Độ, dạy Tiếng Nga: Cô Lan; Thầy Nga, dạy Tiếng Trung: Thầy Sơn, dạy Chính trị: Thầy Tùng, dạy Thể dục: Thầy Huấn; Thầy Hùng.
Đã 45 năm kể từ ngày ấy; giờ đây người còn, kẻ mất; người ở miền Bắc, kẻ ở miền Nam; các Thầy Cô nếu còn sống cũng đã có tuổi. Tôi cũng chỉ biết được một ít thông tin: Thầy Đính; Thầy Tùng; Thầy Ký đã mất, Thầy Tiêu ở Cờ Đỏ - Nghĩa Đàn; Thầy Đạo ở Vinh, Thầy Thao ở Hà Tĩnh, Thầy Vượng ở Đà Nẵng, Cô Lan; Thầy Quang ở Hà Nội, Thầy Tý ở Biên Hoà.
Những năm tháng đầy ắp, kỷ niệm tuổi học trò vẫn theo chúng tôi qua những năm tháng cuộc đời. Những buổi trốn học đi hái Du da rừng; những lần đi học chậm chuồn vô lớp bằng con đường giao thông hào không xin phép Thầy Cô mà Thầy Cô cũng không biết, những buổi học chiều ngủ gật cuối lớp mà Thầy Cô không phát hiện ra vì đã có “lũy che học trò”. Rồi những bữa cơm độn đầy khoai sắn ăn với vừng; lá khoai luộc (hái trộm của dân) chấm nước muối mà ngon như ăn tiệc; ăn xong ngồi nhấm nháp với nhau bát nước chè lá ngấy mà tưởng mình đang thưởng thức Trà Đạo Nhật Bản. Và những đêm diễn Văn nghệ giữa rừng đầy hào khí với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”!
Kết thúc cấp học, thi Tốt nghiệp xong chúng tôi phần lớn được gọi vào các trường Đại học (Hai lớp 10A và 10B chúng tôi có đến 11 học sinh được du học nước ngoài). Buổi liên hoan cuối cùng của đời học trò; lớp tôi mua trộm được một con lợn 29 kg - giờ kể ra cũng buồn cười ai lại mua trộm lợn, nhưng thật 100% đó; vì lúc bấy giờ muốn mổ lợn phải đươc phép của cán bộ sát sinh và phải có đủ tem phiếu; nếu không sẽ bị phạt. Học trò làm chi có tem phiếu nên đành phải mua trộm, giết trộm vậy. Rứa mà cán bộ sát sinh không biết chi. Buổi liên hoan chờ đợi 3 năm được tiến hành dưới tán lá rừng thật trịnh trọng. Sau bài diễn văn khai mạc giới thiệu Đại biểu của lớp trưởng là lời hứa, lời chúc của Bí thư chi đoàn, rồi đến lời phát biểu của Thầy Chủ nhiệm và cảm tưởng đầy lưu luyến của các thầy, các bạn. Bọn con gái đứa nào cũng nước mắt lưng tròng cứ rấm ra rấm rức hoài, con trai cũng có đứa mắt đỏ hoe nhưng đỡ hơn. Đến lúc liên hoan thì lại vui; lại cười; lại nói như chưa có gì xẩy ra - Tuổi học trò hồn nhiên vô tư là vậy đó!
Đời học trò nhiều chuyện lắm; nhất là chuyện của học trò Cấp III; có thể kể hàng ngày hàng tháng mà không hết. Tôi cũng không có tham vọng kể hết được trong khuôn khổ một bài viết chắp nhặt này. Nhưng có một chuyện cũng phải khai thêm tí đó chuyện yêu lứa tuổi học trò. Nhiều bạn trẻ có thể thắc mắc chuyện hay nhất là chuyện này mà không thấy Thầy kể chi, hay là học trò hồi đó chưa biết yêu. Xin thưa: Không phải mô. Chiến tranh mặc kệ chiến tranh/ Tình yêu là của riêng Anh với Nàng. Tình yêu thì có đấy, có nhiều là đằng khác cũng mơ mộng lắm; cũng “ấy” lắm, nhưng tiếc thay mãi sau này tôi mới biết còn lúc đó tôi nhỏ nhất lớp nên không ai thèm để ý họ coi là em út - bỏ qua- Khi già mọi người mới tranh nhau kể cho nhau nghe về những mối tình đầu dĩ vãng rất lãng mạn mà giờ chỉ còn là những kỉ niệm khó quên. Họ nói với nhau: “Ước chi được trẻ như xưa, mà khôn như giờ nhỉ!” Không biết họ nghĩ gì?!
Tản mạn cũng dài rồi, cho phép tôi được kết thúc bài viết. Nếu bài viết tạm được thì khen tôi tí để tôi vui (người già thích được khen lắm). Còn dở thì góp ý chân thành để bữa sau tôi không viết nữa. Nếu chưa chính xác thì nhắc để tôi bổ sung vào dịp Kỉ niệm 60 năm.
Cảm ơn quí vị và các bạn đã đọc “ TẢN MẠN” của tôi!
Thị xã Thái Hoà tháng 8/2012
H.T.P
Nguồn tin: THPT Thái Hòa
Chú ý: Ghi rõ nguồn http://thaihoa.edu.vn khi phát lại thông tin trên Website
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn