02:18 ICT Thứ ba, 10/12/2024

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 25

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 24


Hôm nayHôm nay : 605

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 18054

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 13081217

Trang nhất » Tin Tức » Kỷ niệm 50 năm

Kỷ yếu: Những chặng đường gian khó và vẻ vang

Chủ nhật - 22/06/2014 20:37
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Lương Phùng - Nguyên giáo viên Sinh học

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Lương Phùng - Nguyên giáo viên Sinh học

Trường phổ thông cấp ba Nghĩa Đàn được thành lập năm 1962, gồm hai lớp tám (hệ mười năm) do thầy Hoàng Xuân Đính làm Hiệu trưởng. Địa điểm trường đóng ở dưới chân núi kho vàng (thuộc địa phận chợ Hiếu ngày nay). Đến năm học 1964 - 1965 trường đã có sáu lớp gồm khối cấp II và cấp III, Ty Giáo dục tỉnh quyết định tách riêng khối cấp ba và cơ sở mới được xây dựng ở phía sau xưởng 250B Phủ Quỳ ngày nay. Lúc này trường đã có ba dãy nhà học thiết kế hình chữ U. Thầy và trò tiến hành chặt gỗ, lấy nứa, tre làm lán học, ký túc xá cho giáo viên và học sinh.

Tháng 3 năm 1965 khi chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc năm học, máy bay Mỹ ném bom vùng Nghĩa Đàn, khu vực trường đóng bị bom. Trong tình hình đó, để đảm bảo tính mạng cho thầy và trò, điều kiện học tập thi cử cuối năm, Ủy ban hành chính huyện và Hội đồng nhà trường quyết định sơ tán trường đến vùng rừng cạnh khe khô (Nghĩa Hòa). Do chiến tranh ác liệt và thời gian quá gấp rút, cơ sở vật chất của trường hầu như phải để lại nơi cũ. Tài sản mang theo chỉ được sáu bảng viết. Học sinh ở trọ trong dân, sáu lớp học được phân tán ở sáu khu vực dưới tán cây rừng. Không tranh tre, không bàn ghế, mỗi lớp học chỉ có một bảng. Học sinh ngồi trên khúc gỗ tròn, sách kê đầu gối làm bàn. Trong hoàn cảnh đó, thầy và trò vẫn quyết tâm dành một năm học thắng lợi. Kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên năm đó (tổ chức ở xã Nghĩa Lâm) tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 90%.

Năm học 1965 – 1966, trường lại được chuyển về Ấp Đon - Bàu Lạng (xã Nghĩa Trung). Thiếu thốn đủ bề, nhiều bàn ghế học sinh và ngay cả bàn ghế giáo viên cũng phải làm bằng tre nứa. Xung quanh các lớp học được đắp lũy, đào giao thông hào để phòng tránh máy bay Mỹ ném bom.

Học sinh đi học phải mang vòng lá ngụy trang, các lớp học cách xa nhau. Song sáng thứ hai hàng tuần toàn trường vẫn tập trung về một địa điểm kín đáo, xung quanh có giao thông hào để chào cờ đầu tuần, nhận xét đánh giá ưu, nhược điểm trong tuần và phổ biến công tác mới.

Trong giai đoạn từ 1965 – 1970 mặc dù trong hoàn cảnh có chiến tranh nhưng các phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", văn nghệ, thể dục thể thao vẫn rất sôi nổi. Mỗi lớp có một đội văn nghệ riêng, toàn trường có một đội văn nghệ chung, thầy Phó Đức Vượng là người phụ trách. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Xuân Đính không những trực tiếp chỉ đạo mà còn tham gia sáng tác, đạo diễn và nhập vai. Thầy Phó Đức Vượng đã sáng tác bài hát ca ngợi trường. Những năm học này, trường đã có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đều đạt trên 90%, năm học 1968 - 1969 và 1969 - 1970 trường được công nhận là trường tiên tiến cấp tỉnh.

Từ 1965 đến 1970 theo tiếng gọi của Tổ quốc, quê hương nhiều học sinh trong đó có cả học sinh nữ và giáo viên đã tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quân sự, có em là con một cũng lấy máu viết đơn xin gia nhập quân đội. Lại có trường hợp hai anh em ruột xung phong lên đường nhập ngũ một lần.

Cuối năm 1971, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, trường chuyển ra vùng đất dưới chân núi Dẻ Ba, giáp ranh giữa thị trấn Thái Hòa và xã Nghĩa Trung, lúc này trường đã có hai mươi bảy lớp. Nhưng đến cuối năm 1972 máy bay Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, trường quay về khu sơ tán cũ Bàu Lạng. Năm học phải kéo dài thêm một tháng, cuối tháng sáu năm đó kỳ thi tốt nghiệp mới được tổ chức.

Trước tình hình chiến tranh ác liệt, để giảm bớt thiệt hại cho học sinh, trường được tách làm hai bộ phận. Một bộ phận rút vào phía trong eo Bàu Lạng, bộ phận còn lại chuyển lên làng Đong (xã Nghĩa Tiến), do thầy Lê Anh Tề làm Thư ký Công đoàn phụ trách.

Năm học 1973 - 1974 Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, hai bộ phận từ các khu sơ tán chuyển về lại vùng đất chân núi Dẻ Ba. Năm học này trường đã gặt hái được nhiều thắng lợi: Học sinh tốt nghiệp đạt trên chín mươi lăm phần trăm, giải Ba đồng đội học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán, giải Nhất ngành giáo dục bóng chuyền nam nữ, trường được công nhận là trường tiên tiến cấp tỉnh.

Năm học 1974 - 1975, UBND tỉnh quyết định cho phép trường xây dựng khu dân tộc nội trú. Các em học sinh được cấp lương thực, học bổng và được tổ chức ăn ở tập thể. Thầy Hồ Đức Quế được cử phụ trách khối học sinh dân tộc nội trú. Năm học 1975 - 1976 trường có ba lớp học sinh dân tộc nội trú (9A ; 8C ; 8D) và một lớp học sinh con thương binh, liệt sỹ (8B). Cũng năm học này thầy Hoàng Xuân Đính lâm bệnh, sau một thời gian điều trị, được y, bác sỹ các bệnh viện Nghĩa Đàn, Hà Nội tận tình cứu chữa, song do bệnh hiểm nghèo đã từ trần ngày 09/01/1977, thọ 57 tuổi.

Từ năm học 1976 - 1977, thầy Nguyễn Ngọc Dậu được cử làm Hiệu trưởng của trường. Hè năm 1977, UBND tỉnh quyết định trường cấp ba Nghĩa Đàn tách thành hai phân hiệu: Phân hiệu một đóng tại chân núi Dẻ Ba, phân hiệu hai đóng tại nông trường Cờ Đỏ, do thầy Nguyễn Đình Tiêu phụ trách. Năm học 1976 - 1977 trường được UBND tỉnh cho phép xây dựng hai mươi bốn phòng học cấp bốn. Để giải phóng mặt bằng, nhà trường đã chuyển sang khu vực đối diện thuộc chân đồi giáp xã Nghĩa Mỹ. Chỉ trong mười ngày đầu tháng 9, thầy và trò toàn trường đã tự chặt gỗ, tre, nứa làm được hai mươi bảy lán học, hai nhà ở giáo viên và hai nhà làm việc. Sau một năm xây dựng, hai mươi bốn phòng học, hai nhà làm việc và một hội trường đã được khánh thành. Từ đó thầy và trò được học và làm việc trong mái trường khang trang hơn.

Năm học 1979 - 1980 phân hiệu Cờ Đỏ do thiếu giáo viên nên phải chuyển ba lớp cuối cấp về phân hiệu một biên chế thành hai lớp để kỳ thi tốt nghiệp được đảm bảo chất lượng.

Năm học 1982 - 1983, lễ kỷ niệm hai mươi năm ngày thành lập trường đã được tổ chức long trọng vào ngày 26/12/1982 với nhiều hình thức hoạt động phong phú như văn nghệ, thể dục thể thao, cắm trại, chuyên đề khoa học v.v...

Tháng 4/1983 thầy Nguyễn Ngọc Dậu mắc bệnh hiểm nghèo và đã qua đời vào sáng ngày 03/6/1983, hưởng thọ 53 tuổi. Thầy Phan Chí Thành được cử với chức danh là quyền hiệu trưởng nhà trường. Năm học 1985 - 1986, phân hiệu Cờ Đỏ được Sở GD quyết định thành lập một trường mới là trường PTTH C3 Cờ Đỏ do thầy Đường Quốc Vinh làm hiệu trưởng.

Năm học 1987 - 1988 một số giáo viên được điều về làm quản lý ở các trường bạn, thầy Đinh Ngọc Quý làm hiệu trưởng cấp ba nông trường 1/5, thầy Nguyễn Văn An hiệu trưởng cấp ba Tây Hiếu, thầy Đinh Bạt Hoàn phó hiệu trưởng cấp ba Tây Hiếu.

Ban Giám hiệu lúc này, thầy Phan Chí Thành làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Xuân Hộ phó hiệu trưởng.

Năm học 1989 - 1990 thầy Phan Chí Thành nghỉ hưu, thầy Đinh Ngọc Quý công tác ở trường cấp ba nông trường 1/5 được điều về làm hiệu trưởng của trường.

Năm học 1993 - 1994 trường chuyển về địa điểm mới, tiếp quản cơ sở của Công ty Ngoại thương huyện (chân núi Kho Vàng, Thái Hòa – Vị trí mà trường ổn định lâu dài hiện nay)

Từ năm 1975 - 1976 đến năm 1993 - 1994  kinh tế đất nước rất khó khăn, mỗi người thầy ngoài đồng lương phải làm thêm nhiều việc khác như, làm rẫy, chăn nuôi, trao đổi hàng hóa…mới tạm đủ sống một cách kham khổ. Đời sống của nhân dân cũng trong bối cảnh đó, vì thế đã ảnh hưởng nhiều đến  điều kiện làm việc của giáo viên cũng như học tập của học sinh. Tình hình giảng dạy và học tập có chiều hướng giảm sút, học sinh bỏ học nhiều, năm học 1982 - 1983 trường chỉ còn 09 lớp.

Từ năm học 1994 - 1995 nền kinh tế nước nhà dần dần phục hồi, phong trào dạy và học đã có những bước tiến đáng kể. Số lượng học sinh giỏi tăng lên, nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi tỉnh, tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Có nhiều thầy cô được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Năm 1997 trường THPT Nghĩa Đàn đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường.

Năm học 1996 - 1997, do yêu cầu nhiệm vụ mới, trường tách thành hai phân hiệu, phân hiệu hai được đặt tại xã Nghĩa Thuận. Năm đầu tiên chỉ có hai lớp mười. Đến tháng 8 năm 2001 phân hiệu hai Nghĩa Thuận được tách thành trường độc lập, lấy tên là trường THPT Đông Hiếu. Trường có mười lăm lớp học, do thầy Vũ Ngọc Quang làm hiệu trưởng.

Những năm học tiếp theo 1997 - 2002 trường vẫn tiếp tục đạt được nhiều thành tích nổi bật, liên tục được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Tháng 8 năm 2000, thầy Đinh Ngọc Quý nghỉ hưu, thầy Nguyễn Xuân Hộ được cử làm Hiệu trưởng và hai Phó Hiệu trưởng là thầy Hồ Trọng Phú và cô Nguyễn Thị Nho. Từ năm 2008 thầy Lê Thanh Huyền được cử làm Hiệu trưởng Nhà trường, Phó hiệu trưởng là cô Lương Thị Kim An và thầy Nguyễn Văn Bình.

50 năm, trường đã đi qua nhiều chặng đường đầy khó khăn nhưng cũng thật vẻ vang. Trường THPT Nghĩa Đàn - Trường TPPT Thái Hoà hôm nay ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, với bề dày thành tích, nhiều thầy, cô giáo được công nhận là chiến sỹ thi đua, là giáo viên giỏi cấp tỉnh như thầy Đinh Ngọc Quý, thầy Nguyễn Xuân Hộ, thầy Nguyễn Lương Phùng, thầy Hồ Trọng Phú, cô Nguyễn Thị Nho, cô Lương Thị Kim An, cô Cao Thị Thu Hương, thầy Tống Hòa Bình, thầy Trần Đăng Hòe. Đặc biệt có 3 thầy giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đó là thầy Đinh Ngọc Quý, thầy Nguyễn Xuân Hòe, thầy Hồ Trọng Phú. 05 thầy giáo được công nhận là Nhà giáo có nhiều tài năng Sư phạm: Nguyễn Xuân Hộ, Nguyễn Lương Phùng, Đinh Ngọc Quý, Hồ Trọng Phú, Nguyễn Thị Nho.

50 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã gặt hái được nhiều kết quả trên lĩnh vực học sinh giỏi. Trong các kỳ thi, nhiều em đã đạt học sinh giỏi tỉnh và quốc gia. Chỉ tính trong hơn 20 năm trở lại đây, có 600 học sinh giỏi tỉnh, mười học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia và ba học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia: Ngô Nam Hùng, giải Khuyến khích môn Hóa (do thầy Hồ Trọng Phú bồi dưỡng). Trịnh Đức Anh, giải Ba môn Sinh và Đào Thị Sen đạt hai giải Ba môn Sinh ở lớp 11 và 12(do thầy Nguyễn Lương Phùng bồi dưỡng). Năm lớp 11 em Đào Thị Sen là đại diện cho học sinh giỏi môn Sinh học tỉnh Nghệ An ra Hà Nội thi chọn vào đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế. Hàng ngàn học sinh từ mái trường THPT Thái Hòa đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, nhiều học sinh cũ của trường đã trở thành các nhà khoa học, nhà quản lí giỏi.

Trường THPT Thái Hòa đxa, đang và sẽ mãi mãi phấn đấu để xứng đáng là con chim đầu đàn của ngành giáo dục khu vực miền Tây Bắc Nghệ An, là niềm tin của phụ huynh học sinh huyện nhà, là trung tâm văn hóa đào tạo nhân tài, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. ​

Nguồn tin: THPT Thái Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn